V) PHƯƠNG THỨC TÍN DỤNG CHỨNG TỪ (DOCUMENTARY CREDITS)
Phương thức thanh toán bằng tín dụng chứng từ hiện nay đang trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều doanh nghiệp trong các hoạt động giao thương quốc tế.
1.Khái niệm:
Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ (documentary credits) là một sự thỏa thuận mà trong đó một ngân hàng (ngân hàng mở thư tín dụng) theo cầu của khách hàng (người xin mở thư tín dụng) cam kết sẽ trả một số tiền nhất định cho một người thứ ba (người hưởng lợi số tiền của thư tín dụng) hoặc chấp nhận hối phiếu do người thứ ba ký phát trong phạm vi số tiền đó, khi người thứ ba này xuất trình cho ngân hàng một bộ chứng từ thanh toán phù hợp với những quy định đề ra trong thư tín dụng.
2. Các bên liên quan
- Người yêu cầu mở L/C (Applicant): Là người nhập khẩu, yêu cầu ngân hàng phát hành L/C để cam kết thanh toán cho người thụ hưởng. Thuật ngữ tiếng Anh đề cập đến người yêu cầu mở L/C ngoài Applicant còn dùng thuật ngữ Opener, Accountee, hay Principal.
- Ngân hàng mở L/C (Opening bank): Là ngân hàng thực hiện phát hành L/C theo đơn yêu cầu của người yêu cầu mở L/C. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, ngân hàng này đại diện cho người nhập khẩu, cung cấp tín dụng cho người nhập khẩu. Thường là ngân hàng được hai bên mua bán thỏa thuận trước trong hợp đồng.
- Người hưởng lợi (Beneficiary): Là người bán hoặc nhà xuất khẩu, được nhận thanh toán theo L/C. Họ có thể còn được gọi là người ký phát hối phiếu (drawer).
- Ngân hàng thông báo L/C (Advising bank): Là ngân hàng thông báo L/C cho người hưởng lợi, thường là đại lý hoặc chi nhánh của ngân hàng mở tại nước nhà xuất khẩu.
- Ngân hàng xác nhận (Confirming bank): Ngân hàng bổ sung xác nhận vào L/C, cam kết thanh toán cùng ngân hàng mở nếu ngân hàng này không đủ khả năng thanh toán. Ngân hàng này thường là ngân hàng lớn, có uy tín.
- Ngân hàng thanh toán (Paying bank): Là ngân hàng được chỉ định để thanh toán nếu ngân hàng mở không trực tiếp thực hiện thanh toán.
- Ngân hàng thương lượng (Negotiating bank): Ngân hàng chiết khấu hoặc thương lượng bộ chứng từ L/C, thường là ngân hàng thông báo.
- Ngân hàng được chỉ định (Nominated bank): Là ngân hàng tại đó L/C có giá trị thanh toán hoặc chiết khấu. Họ chịu trách nhiệm kiểm tra chứng từ như ngân hàng mở.
- Ngân hàng bảo lãnh (Guaranteeing bank): Ngân hàng cam kết thực hiện nghĩa vụ thay bên có nghĩa vụ nếu bên đó không thực hiện. Ví dụ, bảo lãnh nhà nhập khẩu nhận hàng khi chưa có vận đơn.
- Các ngân hàng khác: Bao gồm ngân hàng chuyển nhượng (Transferring bank), ngân hàng hoàn trả (Reimbursing bank), ngân hàng đòi tiền (Claiming bank), ngân hàng chấp nhận (Accepting bank), và ngân hàng chuyển chứng từ (Remitting bank).
3. Quy trình thực hiện
Diễn giải quy trình
(0) Người bán và người mua ký kết hợp đồng ngoại thương sử dụng phương thức thanh toán tín dụng chứng từ.
(1) Người mua làm đơn xin mở L/C giấy yêu cầu mở thư tín dụng (Application for Documentary Credit) và gửi cho ngân hàng mở L/C yêu cầu ngân hàng mở L/C cho người bán thụ hưởng.
(2) Căn cứ vào đơn mở L/C, ngân hàng mở L/C tiến hành mở L/C và thông báo nội dung L/C này cho người bán biết và gửi bản chính L/C cho người bán thông qua ngân hàng thông báo.
(3) Ngân hàng thông báo tiến hành thông báo nội dung L/C cho người bán và chuyển bản chính L/C cho người bán.
(4) Người bán giao hàng cho người mua, nếu chấp nhận L/C, nếu không chấp nhận L/C thì yêu cầu người mua và ngân hàng mở L/C sửa đổi L/C theo yêu cầu của mình, đến khi chấp nhận mới tiến hành giao hàng.
(5) Người bán lập bộ chứng từ thanh toán theo yêu cầu của L/C, xuất trình cho ngân hàng thông báo để đòi tiền ngân hàng mở L/C.
(6) Ngân hàng thông báo sau khi kiểm tra thì chuyển bộ chứng từ cho ngân hàng mở L/C.
(7) Ngân hàng mở L/C thanh toán/ từ chối thanh toán.
Ngân hàng mở thư tín dụng khi nhận được bộ chứng từ thì kiểm tra và xử lý bộ chứng từ.
Nếu thấy bộ chứng từ phù hợp với thư tín dụng thì xem nội dung của L/C quy định trả tiền ngay hay trả chậm hay chấp nhận hối phiếu hay là thương lượng/chiết khấu... để xử lý.
Nếu thấy bộ chứng từ không phù hợp L/C, ngân hàng hỏi ý kiến của người mua về việc có chấp nhận bất hợp lệ hay không, nếu người mua không chấp nhận, ngân hàng từ chối thanh toán và gửi trả lại toàn bộ chứng từ cho người bán.
(8 ) Ngân hàng mở L/C chuyển bộ chứng từ cho người mua kiểm tra, người mua thanh toán/ từ chối thanh toán.
(9) Ngân hàng thông báo ghi có vào tài khoản người hưởng lợi hoặc thông báo từ chối.
4. Thư tín dụng (L/C)
a) Khái niệm
Theo điều 2, UCP 600, thư tín dụng là bất cứ thỏa thuận nào, dù được gọi hoặc mô tả như thế nào mà theo đó không thể hủy ngang và trở thành một cam kết của ngân hàng phát hành thư tín dụng về việc thanh toán khi chứng từ xuất trình hợp lệ.
Thư tín dụng là một văn bản pháp lý quan trọng của phương pháp tín dụng chứng từ, nếu thanh toán bằng L/C mà không có L/C thì người xuất khẩu không giao hàng và như vậy phương thức này cũng không được hình thành. Tín dụng thư hoạt động theo 2 nguyên tắc sau:
• Độc lập
• Tuân thủ nghiêm ngặt
-Độc lập: Thư tín dụng có tính chất quan trọng: L/C hình thành trên cơ sở của hợp đồng mua bán tức là phải căn cứ vào nội dung và yêu cầu của hợp đồng để người nhập khẩu làm đơn yêu cầu mở L/C nhưng sau khi đã mở rồi, L/C lại hoàn toàn độc lập với hợp đồng mua bán. Ngân hàng mở L/C chỉ căn cứ vào L/C mà thôi. Điều này được quy định rất rõ trong điều 4, điều 5 trong UCP 600.
-Tuân thủ nghiêm ngặt: Ngân hàng chỉ thanh toán nếu các chứng từ giao hàng hoàn toàn phù hợp với L/C, đúng với các chỉ dẫn của người mua. (Điều 14 –UCP 600: Tiêu chuẩn để kiểm tra chứng từ). Theo nguyên tắc này ngân hàng sẽ kiểm tra toàn bộ chứng từ người bán xuất trình hết sức kỹ lưỡng, kỹ đến mức máy móc từng chữ một. Nếu ngân hàng không phát hiện ra những sai biệt, thanh toán nhầm thì ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm.
b) Nội dung của L/C
Trong thư tín dụng có những nội dung sau đây:
• Số hiệu, địa chỉ và ngày mở L/C
• Loại L/C
• Số tiền của L/C
• Thời hạn hiệu lực, thời hạn trả tiền và thời hạn giao hàng.
• Những quy định về hàng hóa.
• Những quy định về vận tải, giao nhận hàng
• Những chứng từ mà người xuất khẩu phải xuất trình
• Sự cam kết trả tiền của ngân hàng mở L/C.
• Những điều kiện đặc biệt khác.
• Chữ ký của ngân hàng phát hành L/C, nếu mở L/C bằng thư.
c) Các loại L/C
Trong thanh toán quốc tế có nhiều loại thư tín dụng được sử dụng. Việc phân loại thư tín dụng dựa theo những tiêu chuẩn nhất định. Theo Ủy ban Kỹ thuật và nghiệp vụ ngân hàng thuộc ICC, ấn phẩm số 515, thư tín dụng được phân loại theo các tiêu chí sau:
- Phân loại theo loại hình (Types):
Thư tín dụng có thể hủy ngang (Revocable L/C): Người nhập khẩu có quyền thay đổi hoặc hủy bỏ thư tín dụng bất cứ lúc nào mà không cần thông báo trước cho các bên liên quan. Loại L/C này mang đến rủi ro cao cho người xuất khẩu do tính không ổn định của việc thanh toán.
Thư tín dụng không thể hủy ngang (Irrevocable L/C): Sau khi phát hành, L/C này không thể sửa đổi, bổ sung, hoặc hủy bỏ mà không có sự đồng ý của các bên. Đây là loại L/C phổ biến nhất trong thanh toán quốc tế và đảm bảo cao hơn cho người xuất khẩu.
- Phân loại theo phương thức sử dụng (Uses):
Thư tín dụng không hủy ngang có xác nhận (Confirmed Irrevocable L/C): Theo điều 2, UCP 600, xác nhận thư tín dụng là sự xác nhận của ngân hàng xác nhận, một ngân hàng khác ngân hàng phát hành để cam kết trả tiền hoặc thực hiện chiết khấu chứng từ được xuất trình hợp lệ. Ngoài việc không thể hủy ngang, L/C này còn được một ngân hàng khác xác nhận đảm bảo thanh toán. Điều này giúp người xuất khẩu yên tâm hơn, đặc biệt khi không tin tưởng vào ngân hàng mở L/C.
Thư tín dụng miễn truy đòi (Irrevocable without recourse L/C): Là loại L/C mà sau khi người xuất khẩu đã được trả tiền thì ngân hàng mở L/C không có quyền đòi lại tiền từ người xuất khẩu trong bất cứ trường hợp nào. L/C này giúp người xuất khẩu yên tâm về thanh toán.
Thư tín dụng tuần hoàn (Revolving L/C): L/C này có thể tự động tái hiệu lực nhiều lần theo thỏa thuận cho đến khi hết tổng giá trị của hợp đồng. Loại này thường dùng trong giao dịch định kỳ, số lượng lớn hoặc với các đối tác có quan hệ tin cậy lâu dài.
Thư tín dụng dự phòng (Standby L/C): là một loại văn bản do ngân hàng phát hành theo chỉ thị của người yêu cầu mở tín dụng (Applicant hay Account party) cam kết thanh toán cho người thụ hưởng, trong thời hạn hiệu lực của tín dụng, khi người thụ hưởng xuất trình những chứng từ sau:
• Chứng từ yêu cầu thanh toán
• Chứng từ chứng minh việc không thực hiện hợp đồng/ nghĩa vụ của người yêu cầu mở thư tín dụng.
Thư tín dụng ứng trước (Packing L/C): là loại L/C mà trong đó quy định một khoản tiền được ứng trước cho người xuất khẩu vào một thời điểm xác định trước khi bộ chứng từ hàng hóa được xuất trình. Đối với khoản tiền ứng trước này người ta thường quy định trong một điều khoản đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan trong L/C. Trong thực tế điều khoản đặc biệt này bao gồm:
• Thư tín dụng có điều khoản đỏ (Red clause Letter of Credit)
• Thư tín dụng chuyển nhượng (Transferable Letter of Credit)
Thư tín dụng đối ứng (Reciprocal L/C): Là loại L/C được quy định là chỉ có giá trị hiệu lực khi L/C khác đối ứng với nó đã được mở ra. Có nghĩa là khi người xuất khẩu nhận được L/C do người nhập khẩu mở thì phải mở ra một L/C tương ứng thì nó mới giá trị.
Thư tín dụng giáp lưng (Back to back L/C): Sau khi nhận được L/C do người nhập khẩu mở cho mình hưởng, người xuất khẩu căn cứ vào nội dung L/C này để mở một L/C khác cho người hưởng lợi khác với nội dung gần giống như L/C ban đầu, L/C mở sau gọi là L/C giáp lưng.
- Phân loại theo thời hạn thanh toán:
Thư tín dụng trả ngay (L/C at sight): Là loại L/C mà người xuất khẩu sẽ được thanh toán ngay trong vòng 5 ngày làm việc khi xuất trình các chứng từ phù hợp với các điều khoản quy định trong L/C (dĩ nhiên người xuất khẩu phát phát hành hối phiếu trả ngay để yêu cầu thanh toán).
Thư tín dụng trả chậm (Deferred payment L/C): là loại L/C không thể hủy ngang trong đó ngân hàng mở L/C hay Ngân hàng xác nhận cam kết với người thụ hưởng sẽ thanh toán dần toàn bộ số tiền của L/C trong thời hạn quy định.