Theo Cục thống kê của Bộ Tài chính quý I/2025, Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam sẽ tác động mạnh tới hoạt động xuất khẩu, ảnh hưởng tới nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là các nhóm hàng máy vi tính điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ, 6 nhóm hàng hóa này chiếm tỷ trọng hơn 74% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm 2024. Mức độ cạnh tranh vốn đã gay gắt trên thị trường Mỹ nay lại thêm mức thuế cao sẽ làm giảm cơ hội cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Hình: Các thị trường có thị phần xuất khẩu lớn nhật tại Việt Nam
Tại sao Việt Nam bị đánh thuế cao?
Việt Nam bị “liên đới” trong cuộc chiến Mỹ - Trung: một trong những lý do lớn nhất khiến Mỹ siết chặt kiểm soát thương mại với Việt Nam là nghi vấn về việc hàng hóa Trung Quốc mang danh Việt Nam để tránh thuế. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa hạ nhiệt, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bị áp thuế cao đã tìm cách chuyển hàng qua Việt Nam, gắn nhãn “Made in Vietnam” nhằm hưởng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia. Các trường hợp bị phát hiện đã khiến Mỹ liệt Việt Nam vào danh sách quốc gia có nguy cơ cao trong hoạt động gian lận thương mại. Dù chỉ là số ít doanh nghiệp vi phạm, nhưng hậu quả mang tính hệ thống, khiến toàn ngành xuất khẩu Việt Nam rơi vào vòng giám sát chặt chẽ và phải gánh hậu quả từ các hành vi lách luật.
Không những thế, Việt Nam có thể trở thành “Đối Thủ Thương Mại Mới” Của Mỹ: Trong vòng 5 năm trở lại đây, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ liên tục tăng trưởng ở mức hai con số, trung bình trên 20%/năm. Năm 2024, xuất khẩu sang Mỹ đạt 119,46 tỷ USD, tăng 23,2% (tương ứng tăng tới 22,48 tỷ USD) so với năm trước và chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Với tốc độ này, Việt Nam đã vượt qua nhiều quốc gia châu Á khác để trở thành một trong năm đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ.
Tác Động Trực Tiếp Đến Doanh Nghiệp Việt Nam.
Chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ, gây ra tác động trực tiếp và nghiêm trọng đối với doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam. Trước hết, việc bị đánh thuế cao khiến hàng Việt trở nên kém cạnh tranh tại thị trường Mỹ – là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Giá thành sản phẩm bị tăng lên trong khi chi phí sản xuất không đổi, dẫn đến sụt giảm đơn hàng, doanh thu giảm sút, lợi nhuận bị bào mòn, và nguy cơ phải cắt giảm lao động là những nhiều doanh nghiệp đang đối mặt.
Không dừng lại ở đó, việc áp thuế cao khiến doanh nghiệp Việt có nguy cơ mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Mexico – những quốc gia không bị áp thuế và đang có lợi thế tương đồng về sản phẩm. Các bạn hàng lâu năm tại Mỹ có thể chuyển hướng đơn hàng sang các nước này nhằm tiết kiệm chi phí và tránh rủi ro về chính sách thương mại.
Đặc biệt đáng lo ngại là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khi các tập đoàn nước ngoài như Samsung, LG, Foxconn – vốn đầu tư sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ có thể cân nhắc việc dịch chuyển nhà máy sang quốc gia khác có chính sách thuế ổn định hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam mà còn kéo theo hệ lụy lớn về lao động, công nghiệp phụ trợ và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Vậy Doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam cần làm gì để thích ứng?
Bối cảnh chính sách thuế quan từ Mỹ đang tạo ra nhiều thách thức nghiêm trọng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động triển khai một chiến lược toàn diện nhằm thích ứng, ổn định sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các giải pháp bao gồm:
1. Đa dạng hóa thị trường và tận dụng các hiệp định thương mại tự do: Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có quan hệ thương mại ổn định và tăng trưởng cao như Liên minh châu Âu, đặc biệt là Đức, Ba Lan, Tây Ban Nha. Đồng thời, mở rộng hợp tác và phát triển chuỗi cung ứng trong khối ASEAN, RCEP và CPTPP. Ngoài ra, Việt Nam có thể tận dụng các hiệp định thương mại với các quốc gia Trung Đông như CEPA và VIFTA để mở rộng thị phần xuất khẩu tại khu vực này.
2. Nâng cao năng lực sản xuất và tối ưu hóa chi phí: Doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào máy móc, thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, cần tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra các dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mang bản sắc riêng và có khả năng cạnh tranh tốt hơn. Việc đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật cao và thợ lành nghề cũng là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất và chất lượng.
3. Phát triển đội ngũ nhân sự quốc tế chuyên sâu: Cần xây dựng một đội ngũ chuyên viên am hiểu kinh doanh quốc tế, bao gồm marketing quốc tế, sales quốc tế, logistics và thương mại điện tử. Trong đó các chuyên viên Thương mại quốc tế cần nắm vững các nghiệp vụ liên quan đến Incoterms, hợp đồng ngoại thương, thanh toán quốc tế, thủ tục hải quan,... để kịp thời xử lý rủi ro phát sinh trong giao thương.
4. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu quốc tế: Tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế tại nước ngoài, kết nối với sàn thương mại điện tử toàn cầu như Amazon, Alibaba, eBay,… để quảng bá sản phẩm và nâng cao nhận diện thương hiệu Việt Nam. Ngoài ra các doanh nghiệp cần kết nối với Cộng đồng người Việt ở nước ngoài để sản phẩm Việt dễ thâm nhập vào thị trường quốc tế hơn.
5. Minh bạch hóa xuất xứ hàng hóa và nội địa hóa nguyên vật liệu: Doanh nghiệp cần hạn chế tối đa việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ trong các FTA và tránh bị cáo buộc gian lận thương mại. Việc minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm sẽ giúp xây dựng lòng tin với đối tác quốc tế và bảo vệ uy tín quốc gia.
6. Hợp tác chiến lược và chia sẻ chi phí thuế với đối tác Mỹ: Thay vì chấm dứt hợp tác khi gặp khó khăn, doanh nghiệp nên chủ động đàm phán lại các đơn hàng hiện tại và tương lai để cùng đối tác chia sẻ chi phí gia tăng do thuế quan. Đây là cách duy trì mối quan hệ lâu dài và giữ vững chuỗi đơn hàng ổn định.
Thuế quan cao từ phía Mỹ là một thử thách lớn nhưng cũng mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt tái cấu trúc, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường, phát triển năng lực nội tại và khẳng định vị thế trên chuỗi giá trị toàn cầu. Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn và vươn lên mạnh mẽ hơn trong thời kỳ hậu thuế quan.